BỆNH NẤM HỒNG CÀ PHÊ
(Pink Diseases)
1. Nguyên nhân:
- Bệnh do nấm có tên là Coricium salmonicolor Bet Br gây ra. Bệnh xuất hiện chủ yêu trên cành cây tại vị trí phân giáp với phần thân hoặc là cành mọc ngang là những cành mang trái.
2. Triệu chứng bệnh:
- Triệu chứng ban đầu là xuất hiện một số đốm có màu hồng nhạt, nhẵn.
Về sau những vết bệnh này bắt đầu phát triển mạnh hơn và dày hơn có màu hồng đậm. Trên mặt vết bệnh có những bào tử nấm hồng nhạt sờ vào có cảm giác khá mịn, khi cây bị bệnh nặng những vết bệnh này bắt đầu chuyển sang màu trắng xám lan nhanh ra hết cành.
- Trong điều kiện thời tiết thuận lợi nấm hồng sinh sôi rất nhanh chúng sẽ chạy dọc hết cành cây bao bọc hết cành. Nấm ký sinh sẽ xâm nhập vào bên trong lớp vỏ cây phá hoại mạch dẫn làm cho cây không thể hấp thụ được nước và dinh dưỡng lên phía trên khiến cho bộ lá không thể nào quang hợp được mà nhanh chóng bị úa rồi vàng rụng lá.
Cành cho quả khi bị nấm hồng xâm hại sẽ chết khô và trái bị rụng non cây sinh trưởng kém dần ảnh hưởng đến năng suất của cà phê.
- Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nếu cây bị mắc phải bệnh nấm hồng thường khả năng chết rất cao. Trong giai đoạn kinh doanh mức độ ảnh hưởng của nấm hồng phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng kháng bệnh, trường hợp cây bị nặng sẽ bị chết một nửa tán cây ở phía trên.
3. Đặc điểm phát sinh, phát triển bệnh:
- Nấm hồng phát sinh trong điều kiện khí hậu nhiệt độ và ẩm độ cao, có nhiều ánh sáng bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên của cây cà phê.
- Ở các tỉnh Tây Nguyên bệnh nấm hồng phát sinh mạnh vào thời điểm tháng 6 – 8 phát triển mạnh nhất vào tháng 9. Thời tiết nóng ẩm của mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho nấm phát sinh mạnh.
4. Biện pháp phòng trừ:
- Tạo sự thông thoáng cho vườn cà phê bằng cách giảm bớt độ ẩm bên trong tán lá và tăng cường ánh sáng trực tiếp trực xạ trên vườn cây. Trồng cà phê với mật độ hợp lý, cắt bỏ những cành nằm khuất bên trong tán lá hoặc những cành bị sâu bệnh gây hại
- Bố trí hệ thống thoát nước một cách hợp lý nhất để tránh ngập úng và giảm độ ẩm khi mùa mưa đến tránh việc tạo điều kiện thuận lợi cho nấm gây bệnh phát triển.
- Cắt bỏ hết những cành cây đã bị bệnh tấn công mang chúng ra khỏi vườn tiêu hủy sạch.
- Bón phân cân đối dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra cần bổ sung định kỳ các Chế phẩm sinh học có chứa mật độ Vi nấm đối kháng và vi khuẩn đối kháng cao để phòng ngừa và ức chế nấm bệnh như : Trichoderma, Bacillus, Pseudomonas, Streptomyces, …